Phật có ba thân: pháp thân, báo thân, ứng hoá thân. Cũng thật mấy cái từ Hán đôi lúc làm cho chúng ta nơi này cũng chẳng hiểu được, đã mê gặp từ lại không hiểu nên cứ tu là xà quàng xằng bậy. Mà cũng thật chẳng có ngôn từ nào mà tả cho đúng được, ta đành mượn vài ngôn từ diễn tả sao cho dễ hiểu hết mức vậy.
Pháp thân: là bản thể pháp tánh, ở thế gian ví như ánh sáng, như không khí, như sương như khói. Như khối không khí trong hư không, không có hình dạng nào nhất định. Phật, chúng sanh kể cả cỏ cây đều có chung bản thể pháp tánh là pháp thân như nhau. Vì như thể ánh sáng nên diệu dụng vô cùng, nhanh nhẹn, tuỳ biến, xuyên suốt.
Báo thân: Báo là y báo chánh báo, dùng từ thế gian cho dễ hiểu là báo hiện, là hiện ra để thông báo để báo cho người khác biết.
Như khối ánh sang, như khối không khí của pháp thân, do tính chất như vậy mà thường không có hình cụ thể nhất định, nên hình dáng nhìn thấy thường mờ nhạt, chẳng rõ ràng, chẳng dáng vóc sắc nét, thấp hơn là không ra được thứ hình thù gì cho ra dáng như cây cỏ, vi khuẩn, vi rút...chẳng bao giờ có hình dạng nào nhất định, như 10 cái cây xanh là cùng một chủng loại nhưng hình dáng khi lớn mỗi cây mỗi kiểu.
Chúng sanh trong 6 cõi trừ cõi thấp như địa ngục là cây cỏ, các sinh vật bậc thấp, vi khuẩn, virut, còn lại đều thường có hình dáng nhất định. Là do năng lực của tâm tưởng mà định hình pháp thân của mình ra một hình tướng nhất định, để ai nhìn vào cũng biết mình đang hiện diện, gọi là báo thân.
Tưởng phật thành phật tưởng kiến thành kiến, phật nói là ở chỗ này, vì cái hình của phật chẳng thể chui vào tổ kiến được đành phải đi về tổ phật mới sống được. Tưởng gì thì năng lực của tâm tưởng sẽ định hình pháp thân thành báo thân theo hình đó.
Phật cũng như chúng sanh đều có báo thân như nhau, nhưng phật giác ngộ muôn đời lấy pháp thân báo thân làm thân của chính mình mà gọi là báo thân trang nghiêm, y báo chánh báo trang nghiêm, trang nghiêm là chỉnh tề là lấy hình dáng phật cho mình muôn đời, không như báo thân chúng sanh nay vậy mai nọ, nay người mai súc sanh.
Chúng sanh vì quá lâu đời ưa thích đắm nhiễm sắc tướng của tam giới, thấy có sắc tướng tam giới mới hài lòng, còn báo thân pháp thân của mình sẵn có lại quên đi không quí, vì nhẹ như hư không vì muốn hình gì được hình nấy, quá dễ mà chẳng còn thấy quí, như ô sin trong nhà sai đâu làm đó mà chẳng còn chút quí trọng, lại đeo đuổi đi chiều chuộng kẻ hay hờn dỗi làm nũng làm nịu vậy. Cái bản tánh ưa chinh phục, ưa mạo hiểm, ưa lạ lẫm, ưa rước khổ vào thân của chúng sanh đâu biết chính mình đã làm cho mình khổ luỵ từ bao đời, làm chư phật phải khan hơi rát khổ khuyên bảo mà quay lại.
Chúng sanh đi vào lấy sắc tướng tam giới làm thân, chúng ta phải biết sắc tướng tứ đại cũng nương theo báo thân của chúng sanh mà hình thành. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ người phải sanh ra người mà sai lầm nghiêm trọng, vì người thường đầu thai vào người là do chiêu cảm cùng cảnh giới, cũng có lúc thú vật đầu thai vào người, do báo thân là thú vật nên sanh ra tướng mạo theo báo thân thú vật mà có hình dáng như thú vật. Nói gen di truyền thì chỉ là yếu tố kế thừa của tính chất vật chất tứ đại, như nhóm máu nào sanh ra nhóm máu nấy, cha mẹ loãng xương thì con cũng dễ loãng xương. Chứ hình dáng là do nương theo báo thân mà hình thành, không phải yếu tố di truyền. Còn con hay giống cha mẹ, là trước khi sanh vào đã yêu thích hình tướng của cha mẹ, vì yêu thích mà nghĩ tưởng về cha mẹ khiến báo thân đã giống như cha mẹ rồi mà sanh ra y như cha mẹ vậy. Nói giống là do gen di truyền là sai lầm, như sanh đôi chẳng hạn, phải y như nhau chứ, thậm chí đôi lúc thật khác khác hẳn, như anh em trong nhà cùng một cha mẹ nhưng mấy ai giống ai.
Ứng hoá thân: Là thân ứng cảnh mà hoá hiện. Ví như 5 chư phật cùng chơi với nhau, một người muốn làm con heo ủn ỉn cho vui thì liền hoá hiện ra con heo ủn ỉn như thật, như vậy chúng ta xem thử có vui không. Chứ đâu như chúng ta, muốn làm con heo ủn ỉn cho con vui để đút con ăn, cũng cúi xuống bò tới bò lui, miệng kêu ủn ỉn nhưng chẳng giống tí nào, người không ra người heo không ra heo, con nít thấy xấu xí mà khóc thêm chứ chẳng vui tí nào, làm hồi không được rồi bực dọc quát mắng con trẻ.
Vì sao vậy, vì bản chất của pháp thân mới có thể biến hiện muôn màu muôn vẻ, có vậy mà pháp giới chư phật đa dạng thù thắng vui đến nỗi tột độ mà gọi là cực lạc. Còn chúng sanh mang cái thân đất nặng như chiếc xe tăng này, đi còn không nổi nói chi mà biến với hiện. Chư phật có "ứng hoá thân", chúng sanh lại mê muội thích "cứng hoá thân" như mình đồng da sắt như gỗ như đá như xe tăng, vậy mà cũng chấp trước không chịu nghe lời phật, dù bất kể nơi đâu bất kể lúc nào các đấng Như Lai vẫn hằng luôn nói pháp khuyên bảo, thật là tội cho ba đời chư phật.
Các đấng Như Lai tâm lượng từ bi vô lượng, không những ứng hoá làm heo, gà, người cho đến vi trần để sống cùng chúng sanh. Muôn đời nguyện độ chúng sanh, muốn làm chúng sanh vui, muốn giúp chúng sanh an lạc mà quên cả thân mình, đem hết thân tâm của mình cả pháp thân, báo thân, ứng hoá thân mà hiện ra muôn pháp nhằm giúp chúng sanh thoát khổ được vui. Ở các thế giới thù thắng khác là cảnh tượng xinh đẹp thù thắng, chim chóc hoa cỏ...ở thế giới ô trược tạm bợ mê mờ ngắn ngủi này chẳng thể hoá hiện thứ gì được mà chính là những lời pháp khuyên dạy bảo là kinh điển chúng ta đọc hôm nay, thân của Như Lai chính là đó vì hết tâm huyết của Như Lai trong đó. Đời này ai nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa, là hiểu và hành theo giáo pháp của Như Lai, là báo đáp được ân đức của Như Lai, là thấy được thân của Như Lai, là thấy tận cả huyết cả mạch của thân Như Lai vậy.